Thương mại điện tử không còn là sân chơi cho người nghiệp dư

Thương mại điện tử không còn là sân chơi cho người nghiệp dư
Photo by Mark König / Unsplash

Trong một thập kỷ trở lại đây, thương mại điện tử (TMĐT) đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển: từ khởi đầu sơ khai, khi chỉ một chiếc điện thoại và vài bức ảnh sản phẩm là đủ để bắt đầu kinh doanh, đến một thị trường cạnh tranh khốc liệt, nơi từng chi tiết vận hành đều phải được tối ưu hóa. Nếu những năm trước TMĐT còn là “mảnh đất vàng” cho các cá nhân thử sức khởi nghiệp thì hiện nay, cuộc chơi đã hoàn toàn thay đổi. Theo tôi, đây không còn là sân chơi cho người nghiệp dư. TMĐT hiện tại đòi hỏi một tư duy kinh doanh nghiêm túc, hệ thống hóa và khả năng đầu tư dài hạn. Tôi sẽ viết bài này dưới góc nhìn cá nhân của một người từng bán áo thun ở Deligent. Nếu bạn muốn biết thêm về Deligent có thể đọc chuỗi bài viết dưới đây.

Những ngày đầu tiên
Xin chào mọi người, đây là bài viết đầu tiên trong chuỗi bài về Deligent có tên là “Chuyện gì đã xảy ra ở Deligent ?”. Chuỗi bài viết này được xuất bản vào chủ nhật mỗi tuần với mục tiêu tóm tắt lại những sự kiện quan trọng đã xảy
audio-thumbnail
Nghe bài bằng AI - Tính năng thử nghiệm
0:00
/399.210958

Sự thay đổi của thị trường

Nhiều năm trước, khi TMĐT mới bùng nổ tại Việt Nam, người tiêu dùng chủ yếu bị thu hút bởi yếu tố giá rẻ và tiện lợi. Khi ấy, sự kỳ vọng vào trải nghiệm chưa cao. Họ chấp nhận việc sản phẩm đến tay chậm, đôi khi khác mô tả, gói hàng sơ sài, thậm chí đổi trả phức tạp miễn là “rẻ hơn ngoài chợ”.

Nhưng thời thế đã thay đổi. Đặc biệt từ sau đại dịch COVID-19, thương mại điện tử không còn là một sự lựa chọn mới lạ, mà đã trở thành thói quen tiêu dùng chính. Người tiêu dùng giờ đây không chỉ muốn mua hàng online, họ muốn mua hàng một cách thông minh và an toàn. Họ so sánh giá kỹ càng, đọc review kỹ lưỡng, cân nhắc từng feedback, và sẵn sàng bỏ thêm tiền cho những người bán tạo được sự tin tưởng.

Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết. Nguồn: Tạp chí tài chính

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu nhiều biến động, hành vi tiêu dùng cũng thay đổi sâu sắc. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, lạm phát kéo dài ở các nền kinh tế, đồng nội tệ mất giá... đều gây ra những hiệu ứng dây chuyền.

Với Việt Nam, một quốc gia có tỷ lệ xuất khẩu cao và phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì những biến động này khiến giá nguyên vật liệu, chi phí logistics, và cả hành vi chi tiêu của người dân đều chịu ảnh hưởng. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, không còn mạnh tay trong mua sắm, và đòi hỏi giá trị rõ ràng cho đồng tiền bỏ ra.

Song song đó, chiến tranh thương mại còn khiến hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vốn là nguồn hàng chủ lực của nhiều shop online bị ảnh hưởng cả về giá và tiến độ. Những ai không chuẩn bị kênh cung ứng ổn định sẽ bị động, chậm hàng, và mất khách.

Thị trường TMĐT Việt Nam không còn là ao làng. Các nền tảng như Shopee, TikTok Shop, Lazada... đã iến cuộc chơi thành một sân khấu khu vực, nơi người bán từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… có thể bán trực tiếp đến khách hàng Việt chỉ với vài thao tác. Những người bán trong nước buộc phải nâng chuẩn về giá, chất lượng phục vụ, và uy tín để giữ chân khách hàng.

Năng lực sản xuất

Khi TMĐT mới phát triển, rất nhiều người bán chọn cách nhập hàng từ Trung Quốc qua các nền tảng như Taobao, 1688, Tmall… Với biên lợi nhuận cao, nguồn hàng phong phú và chi phí rẻ, mô hình này từng tạo ra doanh thu khá khủng. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn mới, mô hình đó đang bộc lộ những giới hạn rõ rệt.

Thứ nhất, phụ thuộc vào nguồn hàng nước ngoài khiến người bán dễ bị động trước biến động chính trị – kinh tế quốc tế. Gần đây, chính sách kiểm soát xuất khẩu từ Trung Quốc, phí logistics tăng, các quy định về hàng hóa qua sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu hay AliExpress siết chặt, khiến việc nhập hàng không còn dễ dàng, rẻ và nhanh như trước.

Thứ hai, việc không làm chủ được sản xuất khiến người bán khó tạo khác biệt. Khi cùng một mẫu sản phẩm được hàng trăm shop cùng đăng bán, cuộc đua về giá là điều tất yếu và thường thì người nhỏ sẽ thua. Không thể cải tiến sản phẩm, không kiểm soát được chất lượng, không chủ động được thời gian giao hàng đó là các điểm yếu chết người nếu muốn mở rộng quy mô và xây dựng thương hiệu.

Trong khi đó, những người bán có liên kết với xưởng sản xuất trong nước hoặc tự sản xuất lại có nhiều lợi thế rõ rệt:

  • Chủ động linh hoạt về số lượng, kiểu dáng, mẫu mã.
  • Dễ kiểm soát chất lượng đầu ra.
  • Có khả năng xây dựng thương hiệu lâu dài, không bị trôi nổi giữa biển hàng copy.
  • Và quan trọng hơn cả: giảm rủi ro phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài.

Tuy nhiên, việc chủ động sản xuất hoặc hợp tác với xưởng trong nước cũng không hề đơn giản. Nó đòi hỏi nguồn lực, kinh nghiệm và sự kiên trì lớn hơn rất nhiều so với mô hình nhập hàng có sẵn.

Với quy mô nhỏ, nhiều người bán không thể đạt được mức giá nguyên vật liệu tối ưu như các nhà máy lớn, dẫn đến giá thành sản phẩm cao hơn mặt bằng chung. Ngoài ra, các xưởng nhỏ lẻ trong nước thường không đủ năng lực sản xuất hàng loạt với chất lượng đồng đều nếu không có quy trình kiểm soát chặt chẽ từ phía người bán.

Việc phối hợp sản xuất, kiểm tra chất lượng, hoàn thiện bao bì, giao hàng… tạo ra một chuỗi vận hành phức tạp, dễ phát sinh lỗi nếu không có kinh nghiệm. Những người mới bắt đầu hoặc chưa có nền tảng về quản lý sản xuất sẽ dễ bị ngợp, tốn kém thời gian, thậm chí bỏ cuộc giữa chừng.

Khi tự sản xuất, người bán buộc phải lên kế hoạch sản xuất trước đồng nghĩa với việc cần dự báo chính xác nhu cầu thị trường. Nếu dự đoán sai, lượng hàng tồn kho sẽ trở thành gánh nặng tài chính. Trái lại, nếu sản xuất quá ít, lại bỏ lỡ cơ hội bán hàng khi nhu cầu tăng cao.

Đường xá cũng được xem là hạ tầng sản xuất. Trong ảnh là đường về miền Tây

Ngoài ra, Ở Việt Nam, hạ tầng hỗ trợ sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn hạn chế. Việc tiếp cận công nghệ, vốn đầu tư máy móc, hoặc quy trình cải tiến thường đòi hỏi mối quan hệ, kinh nghiệm hoặc chi phí lớn thứ mà phần lớn người bán TMĐT cá nhân không có sẵn.

Năng lực sản xuất hoặc ít nhất là khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng nội địa sẽ là một nền móng quan trọng để người bán TMĐT thoát khỏi vòng xoáy hàng hóa đại trà, lệ thuộc và dễ bị đào thải. Đây là yếu tố mà không phải ai cũng đủ sức đầu tư, nhưng lại là điều kiện cần nếu muốn đi đường dài trong một thị trường ngày càng khắc nghiệt.

Cuộc chơi của công nghệ

Trong một thị trường mà hàng ngàn sản phẩm tương tự có thể cùng xuất hiện chỉ sau vài cú click, công nghệ không chỉ là công cụ hỗ trợ mà là xương sống để người bán vận hành và phát triển một cách bền vững.

Một trong những cái khó khiến nhiều shop không thể mở rộng quy mô là vì vận hành quá phụ thuộc vào nhân lực thủ công: kiểm tra đơn, đóng gói, in vận đơn, kiểm kho… Tất cả đều dễ xảy ra lỗi, không đồng nhất và cực kỳ tốn sức.

Những người bán nghiêm túc hiện nay đã bắt đầu ứng dụng các hệ thống quản lý đơn hàng (OMS), phần mềm in vận đơn tự động, và công cụ quản lý kho để giảm thiểu sai sót và tăng tốc xử lý. Đồng thời, việc ứng dụng video đóng gói tự động như giải pháp của Gói Hàng Chuẩn giúp họ không chỉ tối ưu quy trình, mà còn có tấm khiên mỗi khi xảy ra khiếu nại, đặc biệt trong các mùa cao điểm hoặc khi khách hàng ngày càng khó tính.

0:00
/0:33

Giới thiệu Gói Hàng Chuẩn

Không ai bán được hàng trong năm 2025 nếu không biết cách kể chuyện và thể hiện sản phẩm một cách sinh động. Công nghệ đã khiến người tiêu dùng quen với video ngắn, hình ảnh động, livestream và họ không còn hứng thú với những shop chỉ đăng 3 tấm ảnh chụp vội bằng điện thoại.

Một flow tạo video quảng cáo với AI. Nguồn: bài đăng Facebook của Đỗ Anh Việt

Các shop bán hàng thành công hiện nay đều đầu tư vào sản xuất nội dung bằng công nghệ nhẹ: từ quay video bằng điện thoại nhưng có dựng hậu kỳ chỉn chu, đến dùng AI hỗ trợ viết mô tả sản phẩm, dịch đa ngôn ngữ, tạo video demo, tạo hình ảnh mockup, thậm chí chạy A/B test hình ảnh bìa để xem cái nào chuyển đổi tốt hơn. Công nghệ không khiến nội dung trở nên khô khan mà giúp tạo ra nội dung hiệu quả, đúng người, đúng lúc và đúng kênh.

Một điểm khác biệt rõ ràng giữa người bán bán theo cảm tính và người bán nghiêm túc nằm ở khả năng đọc dữ liệu và hành động từ dữ liệu.

Báo cáo số liệu của EltonData. Nguồn: https://blog.eltondata.com/post/21

Họ không chỉ đo lượt xem, mà theo dõi tỷ lệ chuyển đổi, tỷ lệ thoát trang, thời gian xử lý đơn hàng, tỷ lệ hoàn, điểm đánh giá của từng sản phẩm, lý do hủy đơn, xu hướng tìm kiếm… Từ những số liệu đó, họ liên tục điều chỉnh giá, đổi cách đặt tiêu đề, thử cách đóng gói mới, sắp xếp kho lại cho hợp lý hơn. Những người như vậy thường là người đi chậm hơn ở giai đoạn đầu nhưng luôn đi xa hơn về sau.

Việc bán hàng trên một sàn đã là chuyện của vài năm trước. Người bán bây giờ có mặt trên Shopee, TikTok Shop, Lazada, Facebook, website riêng… và nếu không có công cụ quản lý đa kênh, họ sẽ nhanh chóng vỡ trận.

Cuối cùng, điều đáng nói nhất: công nghệ giúp người bán tạo ra niềm tin một cách hệ thống. Từ sản phẩm rõ ràng, video đóng gói minh bạch, tốc độ phản hồi nhanh, cho đến các hệ thống xác thực khách hàng có cảm giác đang mua hàng từ một thương hiệu nghiêm túc, đáng tin chứ không phải một shop nhỏ vận hành kiểu tay ngang.

Chi phí gia tăng

Một trong những nguyên nhân khiến TMĐT không còn là "cuộc chơi của tay ngang" nằm ở chỗ: chi phí kinh doanh ngày càng tăng cao và phức tạp, trong khi biên lợi nhuận lại bị siết chặt hơn bao giờ hết. Nếu như trước đây chỉ cần tính giá vốn, cộng một khoản lãi và phí ship là có thể bán hàng, thì giờ đây người bán phải gánh thêm hàng loạt khoản chi phí mới, đến từ nhiều phía.

Nguồn ảnh: CafeF

Các nền tảng như Shopee, Lazada, TikTok Shop – nơi từng thu hút người bán với chi phí thấp thì nay đều đã áp dụng chiết khấu doanh thu, phí thanh toán, phí dịch vụ, phí sử dụng kho vận, phí hoàn hàng... Dù tỷ lệ có thể không lớn tính theo từng đơn, nhưng khi cộng dồn lại, phần chiết khấu này có thể chiếm từ 10%–20% giá trị đơn hàng, khiến biên lợi nhuận mỏng đi đáng kể.

Chưa kể, các sàn ngày càng ưu tiên hiển thị cho những shop chịu chi điều này đẩy người bán vào vòng xoáy phải mua thêm quảng cáo nội sàn, chạy Flash Sale, tham gia các chương trình khuyến mãi do sàn áp đặt… nếu không muốn bị chìm nghỉm trong kết quả tìm kiếm.

Khi các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Google ngày càng siết thuật toán và tăng giá CPM, việc chạy quảng cáo hiệu quả trở thành một kỹ năng cao cấp. Một người bán không biết tối ưu quảng cáo hoặc đo lường đúng hiệu quả sẽ nhanh chóng đốt cháy ngân sách mà không đem lại doanh thu tương ứng.

Trong nhiều trường hợp, chi phí quảng cáo chiếm tới 30% – 50% doanh số nếu không kiểm soát tốt. Điều này đồng nghĩa: nếu người bán không hiểu cách đọc số, không biết tối ưu creative, không nắm được hành vi người dùng theo từng nền tảng – thì rất dễ thua lỗ dù đơn vẫn về đều.

Ngoài những chi phí thấy rõ, còn một loạt chi phí ẩn khác ngày càng đáng kể:

  • Chi phí đóng gói chuyên nghiệp để tạo trải nghiệm cho khách hàng
  • Chi phí giao hàng tăng, nhất là khi khách ở vùng xa hoặc khi hàng cồng kềnh
  • Tỷ lệ hoàn hàng cao do khách boom, đổi ý, hoặc khiếu nại thiếu hàng – tất cả đều tạo áp lực lớn về tài chính

Đặc biệt, với các shop có tỷ lệ đơn sai đơn thiếu đơn bị bóc phốt do “gửi sai sản phẩm”, hậu quả không chỉ là một đơn hàng mất trắng mà còn là thiệt hại uy tín và điểm phạt từ sàn, dẫn đến việc hiển thị kém và doanh thu giảm dây chuyền.

Đây là lý do ngày càng nhiều shop nghiêm túc tìm cách giảm thiểu rủi ro ở khâu đóng gói và giao nhận, trong đó có việc ứng dụng các công nghệ như Gói Hàng Chuẩn để quay video đóng gói, lưu trữ bằng chứng giao hàng giúp bảo vệ quyền lợi của người bán trước những khiếu nại không rõ ràng và tránh tổn thất tài chính vô lý.

Chi phí trong TMĐT hiện đại không còn là chuyện cộng trừ đơn giản. Đó là một bài toán tổng thể, đòi hỏi người bán phải nhìn toàn chuỗi vận hành, phân tích số liệu, kiểm soát thất thoát, và biết đầu tư đúng nơi đúng lúc. Người nào không hiểu chi phí – người đó không thể quản lý lợi nhuận. Và nếu không kiểm soát được lợi nhuận – thì dù doanh thu có cao đến đâu, cũng chỉ là “doanh thu ảo”.

Xây dựng thương hiệu

Trong thế giới TMĐT ngày nay, cạnh tranh không chỉ dựa vào giá nữa, mà là sự khác biệt hóa. Khi người tiêu dùng có thể mua cùng một sản phẩm với giá tương đương từ hàng trăm cửa hàng khác nhau, điều gì giúp họ quyết định chọn bạn thay vì người khác? Đó chính là thương hiệu.

Xây dựng thương hiệu không phải là một chiến lược ngắn hạn mà là một hành trình dài hơi, đòi hỏi người bán phải đầu tư vào giá trị cốt lõi, vào trải nghiệm khách hàng, vào mối quan hệ lâu dài. Đặc biệt, trong môi trường TMĐT nơi quá trình ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng diễn ra nhanh chóng và bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố ngoại cảnh (như đánh giá sản phẩm, hình ảnh, mô tả, review), thương hiệu chính là sợi dây kết nối giữa người bán và khách hàng, giúp họ cảm thấy an tâm và tin tưởng.

Thương hiệu không chỉ là logo, tên gọi hay khẩu hiệu mà đó là tất cả những giá trị mà bạn mang lại cho khách hàng từ sản phẩm của mình. Hàng hóa của bạn phải thực sự có chất lượng, giải quyết được nhu cầu thực sự của khách hàng. Nhưng không chỉ có sản phẩm tốt, bạn còn phải biết tạo ra những dịch vụ hỗ trợ xứng tầm. Những dịch vụ như giao hàng nhanh chóng, chính sách đổi trả rõ ràng, và hỗ trợ khách hàng chuyên nghiệp chính là các yếu tố quan trọng xây dựng thương hiệu mà người bán TMĐT không thể xem nhẹ.

Ngoài sản phẩm và dịch vụ, một yếu tố quan trọng nữa trong việc xây dựng thương hiệu chính là câu chuyện. Một thương hiệu mạnh là một thương hiệu có thể kể một câu chuyện hấp dẫn, một câu chuyện có thể kết nối với khách hàng về mặt cảm xúc. Những câu chuyện này có thể xoay quanh tầm nhìn của thương hiệu, sứ mệnh mang lại giá trị cho cộng đồng, hay chính hành trình ra đời của sản phẩm.

Khách hàng ngày nay không chỉ mua sản phẩm – họ mua cảm giác. Họ muốn cảm thấy rằng họ đang ủng hộ một thương hiệu có giá trị, có tâm, và có trách nhiệm. Điều này chính là lý do tại sao thương hiệu mạnh mẽ thường đi kèm với niềm tin vững chắc từ khách hàng, và từ đó, tạo ra sự trung thành lâu dài.

Trên sàn TMĐT, khi sản phẩm của bạn không có sự khác biệt rõ ràng, người tiêu dùng sẽ chỉ dựa vào giá và khuyến mãi để đưa ra quyết định. Nhưng một khi bạn đã xây dựng được thương hiệu mạnh, sự khác biệt không chỉ đến từ sản phẩm, mà đến từ cách bạn thể hiện giá trị đó. Và khi đã có sự khác biệt, giá cả không còn là yếu tố quyết định.

Thương hiệu cũng được xây dựng qua từng hình ảnh, từng thông điệp bạn truyền tải đến khách hàng. Hình ảnh sản phẩm, bao bì, website, fanpage – tất cả đều phải đồng bộ và chuyên nghiệp, tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí khách hàng. Chính những chi tiết nhỏ này sẽ góp phần khẳng định bạn là một thương hiệu đáng tin cậy, có phong cách riêng biệt, và nhất là mang lại giá trị thật cho người tiêu dùng.

Tóm lại là

Thương mại điện tử hiện nay không còn là một sân chơi dễ dàng, nơi chỉ cần đăng sản phẩm lên sàn là có thể bán được hàng. Với sự cạnh tranh khốc liệt, chi phí gia tăng, và yêu cầu khắt khe về chất lượng, để thành công và duy trì vị thế, người bán không thể tiếp tục vận hành như những người nghiệp dư. Họ phải có một chiến lược dài hạn, đầu tư nghiêm túc vào công nghệ và xây dựng thương hiệu từ trong ra ngoài.

5s quảng cáo: bạn đừng quên Gói Hàng Chuẩn sẽ là những trợ thủ đắc lực trong việc xây dựng một quy trình vận hành hiệu quả.